15/8/17

Phân tích bức tranh thiên nhiên bốn mùa Việt Bắc

                Bao trùm cả đoạn thơ nổi bật lên là niềm tự hào cùng với cảm xúc say đắm, ngất ngây của tác giả trước vẻ đẹp hòa quyện nên thơ giữa thiên nhiên và con người Việt Bắc. Khổ thơ mở ra với câu hỏi tu từ quen thuộc tao ra kết cấu hô ứng, đồng vọng, vang ngân giữa "mình" với "ta". Nỗi nhớ của kẻ ra đi hướng đến người ở lại dường như mãnh liệt không kém, qua cách ngắt nhịp 2/2 đầy sáng tạo kết hợp với điệp từ "ta" người đọc dễ dàng cảm nhận nỗi nhớ niềm thương được gửi gắm cứ đầy vơi, bồi trào qua từng câu chữ
Ta về, mình có nhớ ta...
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở tráng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung
Bài Làm:
                Nhận xét vè Tố Hữu, Xuân Diệu viết: "Tố Hữu đã đưa thơ chính trị lên đến trình độ là thơ rất đỗi trữ tình". Là nhà thơ trữ tình chính trị, hát ca về lẽ sông lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn của dân tộc, các mốc sự kiện lớn lao của dân tộc bao giờ cùng để lại dấu ấn sâu đậm trong cảm hứng thi ca của ông. Bài thơ Việt Bắc do đó trở thành thi phẩm xuất sắc nhất nền văn học chống Pháp. Bài thơ vừa là bản tổng kết 15 năm kháng chiến gian khổ mà hào hùng của dân tộc Việt Nam vừa là khúc hát ân tình, chung thủy réo rắt, đằm thắm. Đặc biệt, đoạn thơ từ câu "Ta về, mình có nhớ ta." đến câu "Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung." đã làm nên sức ngân vang sâu thẳm cho bài thơ.
Bao trùm cả đoạn thơ nổi bật lên là niềm tự hào cùng với cảm xúc say đắm, ngất ngây của tác giả trước vẻ đẹp hòa quyện nên thơ giữa thiên nhiên và con người Việt Bắc. Khổ thơ mở ra với câu hỏi tu từ quen thuộc tao ra kết cấu hô ứng, đồng vọng, vang ngân giữa "mình" với "ta". Nỗi nhớ của kẻ ra đi hướng đến người ở lại dường như mãnh liệt không kém, qua cách ngắt nhịp 2/2 đầy sáng tạo kết hợp với điệp từ "ta" người đọc dễ dàng cảm nhận nỗi nhớ niềm thương được gửi gắm cứ đầy vơi, bồi trào qua từng câu chữ. Nhớ mà lại nhớ "hoa cùng người", từ "hoa" ở đây vừa mang ý nghĩa tả thực lột tả bức tranh thiên nhiên mĩ lệ, thơ mộng của núi rừng Việt Bắc vừa gợi lên những nét đẹp tinh túy, đẹp đẽ nhất của cả thiên nhiên và con người.  Con người hòa quyện cùng thiên nhiên trở thành điểm sáng trong nỗi nhớ của cán bộ chiến sĩ, những con người giờ đây phải nói lời ly biệt.
           Tố Hữu mở đầu bộ tranh tứ bình tuyệt đẹp ấy với bức tranh ngày đông "ấm áp".
                                Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
                       Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

               Mùa đông hiện lên với màu xanh chủ đạo gợi lên cái vẻ trầm mặc, u tịch vón có của rừng già. Thế nhưng giữa nền xanh đầy lạnh lẽo ấy lại điểm xuyết màu dỏ ấm nóng, rực rỡ của những bông hoa chuối bừng lên màu lửa như thắp sáng và sưởi ấm cả khu rừng bạt ngàn sắc xanh tạo nên đường nét màu sắc vừa đối lập vừa hài hòa, vừa cổ điển vừa hiện đại.. Cùng với đó là những tia nắng yếu ớt, nhẹ nhàng từ trên cao hắt xuống phản chiếu lên con "dao gài thắt lưng" của người đi rừng. Cái nắng hiếm hoi của mùa đông đã tô điểm cho bức tranh thiên nhiên thêm tươi tắn. Mùa đông mà lại mang vẻ dẹp ấm áp lại kì. Phải chăng thi sĩ đang muốn ngụ ý điều gì? Ta biết rằng vào mùa đông năm 1946 là lúc Bác Hồ "Ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến " khơi dậy mạnh mẽ lòng tự hào, tự tôn dân tộc, làm sục sôi khí thế đấu tranh của toàn dân tộc. Cách Tố Hữu vẽ lên thiên nhiên mùa đông phần nào gợi ta liên tưởng đến những sự kiện trọng đại của dân tộc cùng với đó là niềm tin sắt son của ông về chiến thắng không xa của cuộc kháng chiến chống bọn xâm lược tàn bạo.
                Việt Bắc vào xuân bát ngát sắc trắng của hoa mơ rừng:
                                           Ngày xuân mơ nở tráng rừng
                                   Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.
Hoa mơ _ hình ảnh  rát đỗi quen thuộc, tiêu biểu của núi rừng Việt Bắc gợi lên không gian xuân rất đặc trưng, không thể hòa lẫn nơi đây. Đọc câu thơ, ta vừa như hòa cùng cảm giác trầm trồ, thích thú của tác giả khi đứng trước cảnh sắc tuyệt vời này vừa như cảm nhận được sắc trắng tinh khôi, trong trẻo, dịu mát, trải dài đến vô tận của hoa mơ Việt Bắc. Đối với Tố Hữu, hình ảnh hoa mơ dường như đã để lại trong ông ấn tượng sâu đậm và in dấu trong nhiều những bài thơ như:
Ôi sáng xuân nay, xuân 41
Trắng rừng biên giới nở hoa mơ
Bác về...im lặng, con chim hót
Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ
                                                              ( Theo chân Bác - Tố Hữu)             
Chỉ với một câu thơ mà đã phác họa được cảnh đẹp vừa lãng mạn, nên thơ lại rất đỗi đặc trưng của núi rừng Việt Bắc. Mùa xuân như đang khoác trên mình tám áo tinh khôi, tươi mới, đầy trẻ trung, hội tụ đủ đầy sức xuân và sắc xuân. Ngòi bút Tố Hữu không thiên về đặc tả cụ thể, chi tiết mà chỉ ghi lại hình ảnh tiêu biểu nhất, đặc trưng nhất, ám ảnh nhất. Nhờ thế, chỉ qua một hình ảnh mà đã có thể gợi lên bức tranh xuân đậm đà bản sắc riêng của miền đất quê hương Tây Bắc. 

                                          Ve kêu rừng phách đổ vàng
                                   Nhớ cô em gái hái măng một mình.
             Mùa hè ở đây được gợi lên bởi những tín hiệu và hình ảnh rất đặc trưng, " rừng phách đổ vàng" là nét riêng của miền quê Việt Bắc khi vào hạ. Phách là loại cây mọc nhiều ở Việt Bắc và thường trổ hoa vàng rực rỡ vào đầu màu hè kết hợp với tiếng ve kêu râm ran, vang ngân khắp núi rừng tạo nên không khí vô cùng rộn rã, sôi động, tươi vui, đầy sức sống.Ở đây tác giả sử dụng bút pháp lấy âm thanh để gợi hình ảnh gợi ta liên tưởng đến những câu thơ  của Nguyễn Du:

                                 Dưới trăng quyên đã gọi hè
                         Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông.

Dường như chỉ cần một tiếng ve ngân lên thôi là cả khu rừng liền ngập trong màu vàng sóng sánh loang lổ cả một vùng tạo nên bức tranh ngày hè rực rỡ khôn cùng. Đặc biệt, với việc sử dụng sáng tạo từ "đổ", Tố Hữu đã diễn tả sự vận động, chuyển đổi màu sắc rất tinh tế, vừa gợi hình vừa gợi cảm. Có thể khẳng định rằng, Tố Hữu không chỉ có biệt tài trong việc miêu tả vẻ dẹp riêng cảu từng mùa mà còn có tài trong việc miêu tả sự vận động đổi thay của thời gian và cảnh vật.
Kết lại cho bức tranh tứ bình tuyệt đẹp này chính là mùa thu "hòa bình"
                                   Rừng thu trăng rọi hòa bình
                            Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.
              Mùa thu Việt Bắc hiện lên với ánh trăng soi rọi sắc màu hòa bình, thơ mộng sau chín năm trường kì kháng chiến. Câu thơ như xui khiến ta nhớ đến những câu thơ cũng viết về đêm rừng Việt Bắc của Hồ Chí Minh:  

                               Tiếng suối trong như tiếng hát xa
                               Trăng lông cổ thụ bóng lồng hoa.

Ánh trăng. không chỉ là biểu tượng cho vẻ đẹp trong sáng, lộng lẫy của thiên nhiên nơi dây mà nó còn mang theo khát vọng hòa bình của con người Việt Nam. 
Tố Hữu quả thật một nhà thơ đầy tài năng khi vẽ nên bức tranh tứ bình tuyệt đẹp với vẻ đẹp bốn mùa mang đậm dấu ấn Việt Bắc không thể trộn lẫn với bất cứ vùng miền nào trên khắp đất nước. Đó là bức tranh đa sắc, đa chiều được miêu tả trong thế động. Xưa nay núi rùng thường gợi cảm giác hoang vu, tĩnh tại nhưng trong thơ Tố Hữu, tất cả đều tràn đầy sức sống và sinh lực.

Đoạn thơ sử dụng bút pháp tả cảnh thiên nhiên thiên về chấm phá, gợi nhiều hơn tả, ghi lại linh hồn của tạo vật hơn là đặc tả cụ thể hình xác. Qua khổ thơ, ta cảm nhận tấm lòng sâu nặng nghĩa tình của tác giả dối với mảnh đất " Thủ đô gió ngàn" này. Bởi phải yêu, phải nhớ, phải gắn bó thắm thiết bao nhiêu thì con người ấy mới có thê vẽ nên bức tranh chân thực, sống động đến vậy. Mặt khác, đoạn thơ đã thể hiện sâu sắc cảm hứng lãng mạn của hồn thơ Tố Hữu, qua lăng kính của một hồn thơ đầy tinh tế, lãng mạn. giàu rung cảm, tất cả bỗng trở nên lung linh, đẹp đẽ hơn bao giờ hết.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét